Các hóa chất bảo quản làm cho gỗ bền hơn, kéo dài thời gian sử dụng. Trong kỹ thuật bảo quản gỗ thông thường, người ta dùng các chất trừ mối mọt tẩm vào gỗ. Tuy nhiên, một số loại hóa chất bảo quản lại có hại cho môi trường. Người ta đang tìm các loại hóa chất bảo quản và thân môi trường hơn.
Gỗ bị thoái biến sinh học chủ yếu là do nấm, sau đó là sâu bọ. Nấm dùng hyđrat – cacbon (xenlutoza) làm nguồn thức ăn, tiết ra enzym để phá vỡ các mối liên kết của polysacarit. Một số loại nấm còn phá huỷ cả lignin của gỗ. Nếu không đủ độ ẩm (>17%) nấm không thể phát triển được. Có nhiều phương pháp phòng tránh nấm hại gỗ như: trừ nấm, triệt nguồn thức ăn của nấm tránh không làm cho gỗ bị ẩm hay dùng các hóa chất làm biến tính gỗ cho bền hơn.
Làm biến tính gỗ với các chất hóa học
Theo phương pháp này người ta cho hóa chất tác dụng với nhóm hyđroxyl của polysacarit trong gỗ để tạo ra các nhóm chức bền vững, có liên kết cộng hóa trị và ít ưa nước hơn. Gỗ sau khi xử lý sẽ chịu được nước và khó bị mủn.
Các hóa chất biến tính gỗ là: ankyl anhyđrit. isoxyanat, focmandehyt, epoxyt và acrylnitril. Hơn 30 năm qua người ta tập trung vào các chất axetylat hóa như anhyđrit axetic. Người ta chưa giải thích được thật chính xác tại sao khi làm biến tính gỗ thì nó lại bền hơn, song cho rằng khi gỗ bị biến tính thì nấm “từ chối” không coi gỗ là thức ăn cho mình nữa.
Người ta đã dùng sóng viba để sấy nóng và làm biến tính gỗ. Phương pháp này nhanh và tương đối rẻ tiền. Phương pháp đó cũng tránh không tạo ra các sản phẩm phụ (như axit axetic), gây mùi khó chịu và về lâu dài nó sẽ làm hỏng gỗ.
Làm gỗ ít bị thấm nước hơn
Để bảo quản gỗ phải làm cho nó ít thấm nước hơn và nhờ đó hạn chế được khả năng nấm sử dụng gỗ làm thức ăn cho mình. Người ta có thể tẩm gỗ bằng nhựa focmandehyt sau đó loại nhựa này đóng rắn và bịt kín vào thành tế bào gỗ bằng các monome hữu cơ. Các monome đó về sau cũng được trùng hợp và tạo ra một loại composit gỗ polime. Nếu nhựa focmandehyt được đóng rắn với các monome vô cơ thì sẽ tạo ra một loại composit gỗ polime vô cơ.
Người ta đã nghiên cứu sử dụng silicát để ngâm tẩm gỗ. Silicát sẽ tạo ra “gel” theo phản ứng ngưng tụ nội phân tử (intramolecular condensation reaction).
Cũng có thể làm biến tính gỗ khi sấy và ép để loại bớt lignin. Sau đó, khi được làm lạnh gỗ sẽ tạo ra một loại sản phẩm đặc chặt và bền vững hơn. Khi sấy dưới áp lực thấp, gỗ sẽ có cấu trúc cố kết do polysacarit bị thoái hóa sinh học một phần”, tính bền vững theo các chiều được tăng lên khả năng thấm nước giảm đi. Áp dụng phương pháp trên đối với những loại gỗ xấu, khó tẩm các chất bảo quản thông thường rất có hiệu quả và sẽ tận dụng được nhiều nguồn gỗ lâm nghiệp.
Sử dụng các hoạt chất thiên nên để bảo quản gỗ.
Hợp chất perethrum trong hoa cúc có tác dụng diệt côn trùng cũng là một loại chất bảo quản gỗ. Trong dịch chiết từ gỗ “heart wood” người ta thấy có các chất như sesquiterpen, stilben và flavanoit có tác dụng diệt nấm đỏ nâu là loạt hại gỗ. Các nhà khoa học cho rằng các chất trên có tác dụng như là chất chống oxy hóa, cản trở cơ chế hoạt động của loại nấm hại gỗ.
Sử dụng các phương pháp hoá sinh để bảo quản gỗ
Một số loại sinh vật sử dụng gỗ làm một nguồn thức ăn. Như vậy, để bảo vệ và và bảo quản gỗ người ta phải tìm cách triệt phá con đường này. Có thể sử dụng các chất ức chế enzym giúp sinh vật biến đổi và chuyển hóa thức ăn là gỗ. Cũng có thể sử dụng một lọại nấm khác, chúng sẽ diệt loại nấm hại gỗ, ví dụ nấm Trichoderma. Đối với một số côn trùng có hại người ta sử dụng các chất kìm hãm sinh trưởng, không làm cho chúng phát triển thành các sinh vật trưởng thành. Sử dụng pheromon cũng là một phương pháp có thể được dùng tới.
Ngoài các phương pháp bảo quản gỗ kể trên. Việc sử dụng công nghệ di truyền để tạo ra các loài cây có gỗ tốt, bền cũng là một khả năng rất tiềm tàng. Đây là một công việc đòi hỏi phải nghiên cứu lâu dài nhưng trong tương lai nó chắc chắn có nhiều ích lợi.